Thứ Tư, 17 tháng 6, 2009

BI KỊCH ĐẦU ĐỜI CỦA BÉ NHẬT ANH


BI KỊCH ĐẦU ĐỜI CỦA BÉ NHẬT ANH

Không được may mắn như bao đứa trẻ khác, bé Nhật Anh cất tiếng khóc chào đời trong bi thương. Nếu những đứa trẻ khác được sinh ra trong chăn ấm, nệm êm, có bàn tay ôm ấp của cha mẹ và những người thân yêu, thì Nhật Anh lại không có được sự hạnh phúc thuở ban đầu đó. Em đã bị cha mẹ từ chối ngay sau khi chào đời và tiếp sau đó là cả một tấn bi bịch đã ập xuống trên sự sống yếu ớt của bé thơ này.
Tôi may mắn được tới thăm Nhật Anh vài lần, được bồng ẳm em vào lòng và nghe được câu chuyện về những ngày đầu đời của em. Xơ Hội, người đã cưu mang và nuôi dưỡng Nhật Anh kể lại. Vào buổi sáng tháng 6/2008, có một thanh niên đang chờ xe buýt ở khu Tam Hà, Thủ Đức, Sài Gòn nghe tiếng trẻ khóc rất yêu ớt gần trạm chờ. Vì tò mò anh ta đã tìm kiếm và gặp thấy một em bé sơ sinh đỏ hỏn, được bọc khăn nằm trong thùng rác công cộng. Kiến bọ đã bu kín cả người em. Em đang dùng hết chút sức tàn để khóc những tiếng khóc cuối cùng.
Chạnh lòng thương, anh bạn đó đã nhặt Nhật Anh ra khỏi rác bụi, nhưng anh không thể giúp đỡ em nhiều hơn thế. Anh đã giao Nhật Anh cho bác xe ôm và những người tò mò đang xúm lại ở đó. Lúc đầu, anh xe ôm này định mang về nuôi, vì anh có 2 con gái và chưa có con trai. Nhưng anh ta ngại em bé sẽ chết, vì em chỉ nặng 1,2 Kg và đang kiệt sức, nên đã định mang đi cho nhà Chùa gần đó. Tình cờ anh đang bế em đi qua mái ấm Nhật Hồng, em bỗng khóc lớn lên rất khác thường. Thấy điều gì đó như níu kéo không cho anh đi xa hơn. Anh đã mang em bé vào cho các Xơ ở đây.
Kể từ đó, các xơ MTG Đủ Đức tìm cánh đưa em vào bệnh viện Nhi Đồng I, để cấp cứu. Tới bệnh viện, các bác sĩ từ chối với lý do “hiểu nhầm” các xơ là những cô gái lỡ lầm không chịu nuôi con và đem con đi “bỏ chợ”. Sự dằng co lâu giờ lại càng nguy hại đến tính mạng của em bé. Nhưng may thay sau đó các xơ đã điện thoại cho một bác sĩ quen đang làm việc ở Nha Trang và nhờ chị can thiệp, nhờ thế họ mới cho Nhật Anh nhập viện.
Nhật Anh, nhập viện trong tình trạng cái chết gần kề “còn nước còn tát”. Em được cấp cứu và nuôi trong lồng kính được ba tuần lễ tại đây. Nhưng mọi chuyện cũng không khả quan cho lắm. Em đã thoát khỏi cơn nguy hiểm, nhưng không phát triển gì cả. Trong vòng ba tuần lễ ở trong lồng kiếng em chỉ tăng được 5 (gram) mà thôi. Thấy thế, các xơ nghĩ do thiếu hơi người, thiếu tình thương nên em chậm phát triển. Thế là họ quyết định cho em về nhà sống chung với các anh chị ở trong mái ấm của xơ Hội ở Thủ Đức. Kể từ đó, em bé được đặt tên là Nhật Anh và em ngày càng lớn nhanh và ngoan hơn. Tình thương yêu và chăm sóc của các xơ, các anh chị lớn trong mái ấm đã làm cho Nhật Anh lớn lên mỗi ngày.
Đến hôm nay, sau sáu tháng được chăm sóc ở đây Nhât Anh đã được 6 kg. Một em bé mú mẫm, dễ thương và nhìn rất thông minh lanh lợi. Hy vọng rằng tương lai của Nhật Anh sẽ là những chuỗi ngày hạnh phúc trong mái ấm của các xơ; em sẽ được chăm sóc, giáo dục, lớn lên và cất bước vào đời như bao đứa trẻ khác.
Từ câu chuyện về tấn bi kịch đầu đời của Nhật Anh, tôi liên tưởng tới những đứa trẻ khác trên đất nước Việt Nam đang bị cha mẹ từ chối mỗi ngày. Có rất đông các sinh linh bé nhỏ không được hạnh phúc cất tiếng khóc chào đời như Nhật Anh. Các em đã bị chính cha mẹ ruột của mình bóp chết từ trong trứng nước. Quyền sống của các em đã bị người lớn cướp đi một cách rất đáng thương. Chính sự ích kỷ, không tình yêu là nguyên nhân dẫn người ta đến chỗ chà đạp lên tính mạng của bao trẻ thơ yếu ớt và vô tội.
Rất nhiều các cha mẹ tự cho mình cái quyền trên mạng sống của con cái mình. Họ lầm tưởng họ hành động đúng và không mảy may biết rằng: quyền sống của con người đến từ Thiên Chúa và họ chỉ là người “thợ” cộng tác với Ngài trong việc sinh thành và dưỡng dục, chứ không có quyền chi trên mạng sống của các em. Vì lẽ đó, sự sống các trẻ thơ cần được bảo vệ. Các em có quyền được chào đời, được chăm sóc và yêu thương. Sự hiện hữu của các em là tương lai của Giáo hội và xã hội loài người. Nếu người lớn ý thức bổn phận của mình, thì có biết bao những Nhật Anh khác sẽ được chào đời, lớn lên và trở thành niềm hy vọng của gia đình và xã hội.
Bi kịch đầu đời của bé Nhật Anh là kiếng chuông não nề đang văng vẳng cất lên bên cõi lòng những người còn có lương tri. Thiết nghĩ, chúng ta là những người may mắn hơn Nhật Anh và hơn vô vàn các thai nhi vô tội khác đã không được chào đời; chúng ta được hiện hữu trên cõi đời này nhờ tình yêu thương và chỡ che của cha mẹ và những người khác.
Hôm nay, đến lượt chúng ta là những Kitô hữu, chứng nhân Tin Mừng sự sống của Chúa Kitô, chúng ta không thể bàng quang trước những hành xử sai lầm của các bậc cha mẹ vô tâm với con cái, mà cần phải chung tay bảo vệ sự sống thánh thiêng của các trẻ thơ vô tội, các em là những con người không có khả năng tự bảo vệ mạng sống cho chính mình.
Quang Huyền.OFM

Không có nhận xét nào: