Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2009

Mái Ấm Hy vọng Bãi Giếng Nam cho trẻ mồ côi tàn tật


Mái Ấm Hy vọng Bãi Giếng Nam cho trẻ mồ côi tàn tật


NHA TRANG - Trong thời đại toàn cầu hóa, người ta tranh đua nhau làm kinh tế và họ rỉ tai nhau rằng: “Đầu tư vào giáo dục thì không bao giờ thua lỗ”, thế là các trường học, các trung tâm dạy học mở ra khắp nơi để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng ở các nơi ấy không có nhiều chỗ cho người nghèo. Thế nhưng ở một khóc khuất nào đó của xã hội, chúng ta cũng thấy mọc lên những mái ấm từ thiện phục vụ cho trẻ em nghèo, tàn tật. Mỗi mái ấm có những ý hướng và đối tượng phục vụ khác nhau, nhưng đều có chung mục tiêu là thăng tiến cuộc sống cho các trẻ em nghèo và trẻ em bệnh tật. MÁI ẤM HY VỌNG BÃI GIẾNG NAM –NHA TRANG (MAHV) do các Nữ tu dòng Mến Thánh Giá - Nha Trang phụ trách đã được thành hình với mục tiêu cao đẹp đó.


Vùng quê Bãi Giếng Nam, Cam Đức, Cam Lâm, thuộc Giáo xứ Hòa Bình, Giáo Phận Nha Trang là một vùng quê nghèo của Tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây, có số giáo dân khỏang 800 người, phần lớn còn lại là lương dân, họ là dân di cư từ Quãng Trạch, Quãng Bình vào từ năm 1990 và những năm sau đó. Người dân kiếm sống bằng nghề chài lưới ven biển, do đó kinh tế rất khó khăn, cái nghèo dẫn đến sức khỏe kém, trình độ học vấn thấp và hiện nay còn nhiều người người mù chữ. Người dân phải vật lộn với “biển khơi” để kiếm cơm áo cho gia đình. Nhưng không may thay trong số họ lại có những gia đình có con cái bị tật nguyền. Bệnh tật của con cái lại kéo gì đôi vai của họ xuống thấp hơn, đời sống nghèo khổ lại càng nghèo khổ hơn. Đáng thương nhất là những đứa trẻ tàn tật và mồ côi. Các cháu không có được sự chăm sóc cần thiết về sức khỏe và tinh thần, không được gia đình quan tâm giúp đỡ, để có thể phát triển như các trẻ bình thường khác. Bất hạnh hơn nữa là một trong số các cháu tật nguyền đó đã bị cha mẹ hắt hủi, bỏ bê và thậm chí từ chối.Chứng kiến những cảnh đời thơ dại đáng thương tâm đó, các Nữ tu dòng MTG Nha Trang đã nghĩ đến việc quy tụ các cháu lại để nuôi dạy và chăm sóc. Thế là MAHV được khởi công từ 15/11/2004 và hoàn tất ngày 19/03/2005.Mục tiêu của MAHV là đón nhận, nuôi dưỡng và giáo dục những trẻ em Mồ côi, Khuyết và dị tật của những gia đình nghèo, neo đơn. Tạo cho các cháu kém may mắn có nơi để học hành, vui chơi và chăm sóc tốt hơn, giúp các cháu phát triển về thể lý và tinh thần như những đứa trẻ bình thường khác; đồng thời góp phần thoa dịu nỗi đau, sự thiệt thòi của các cháu, giúp các cháu hòa nhập được với cộng đồng, xã hội bên ngòai. Với mục tiêu đó, MAHV mở rộng vòng tay để đón nhận tất cả các cháu mồ côi, bệnh tật, bị bỏ rơi, không phân biệt thành phần tôn giáo.Tuy còn mon trẻ, nhưng MAHV đang cưu mang và nuôi dạy 30 cháu. Các cháu là trẻ mồ côi, trẻ bị bệnh Đao, Bãi Não, Câm Điếc, Tâm Thần và chậm phát triển. Các cháu này đ61n từ các gia đình Công Giáo, Phật giáo, lương dân.Được biết, hiên nay MAHV tình thương này được phục vụ bởi ba Nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá - Nha Trang. Các Nữ tu này đã và đang dấn thân để ươm mầm hy vọng tương lai cho các cháu. Các Xơ chỉ có mong muốn đơn giản là bù đáp cho các cháu những thiệt thòi về mặt xã hội và nhất là sự thiếu vắng tình yêu thương từ gia đình và cha mẹ các em. Nhờ tình yêu thương chăm sóc của những “người mẹ thứ hai” này, các cháu ngày càng khôn lớn, phát triển và linh họat hơn. Nữ tu Nguyễn Thị Hương, phụ trách mái ấm tâm sự: “Các cháu trong mái ấm đã bước đầu có được sự phát triển tốt về sức khỏe, còn chuyện học hành thì phải kiên nhẫn chờ đợi thôi”. Đúng vậy, khi được ở mái ấm này, các cháu có cơ hội để phát triển tốt hơn về mọi mặt, nhất là vấn đề sức khỏe. Tuy vậy, trong mái ấm có những cháu đã 13 - 15 tuổi, nhưng khả năng trí tuệ của các cháu rất khiêm tốn, nhất là những cháu bị bệnh Đao và Tâm Thần. Hiên nay, cả mái ấm chỉ có một cháu biết đọc và viết chữ, một ít cháu biết đọc, một ít cháu khác nữa biết múa hát và còn lại thì đang phải chờ đợi. Món quà lớn nhất cho các Nữ tu và những người quan tâm đến các cháu là sự linh hoạt, vui vẽ, hồn nhiên của các cháu kém may mắn này, dầu cho những tháng ngày sắp tới của các cháu vẫn mờ mịt. Những nụ cười “ngây ngô” trên khuôn mặt thơ dại của các cháu giờ đây lại trở thành những động lực để các Nữ tu ở đây nuôi dưỡng niềm hy vọng vào tương lai của chác cháu. Bằng tấm lòng bao dung của những người thánh hiến, họ nhận ra rằng các cháu là những đứa trẻ đáng được yêu thương chăm sóc và giáo dục như bao trẻ khác. Hơn nữa, các cháu là những Đức Kitô nghèo khổ, bệnh tật đang cần đến sự giúp đỡ của họ hơn bao giờ hết.Mặc dầu vậy, để việc chăm sóc các cháu được duy trì tốt ngoài tấm lòng còn cần đến sự động viện, giúp đỡ và cộng tác của nhiều người. Hiện nay MAHV đang cần có những điều kiện tối thiểu để phục vụ việc nuôi dạy các cháu. Nữ tu Nguyễn Thị Hương chia sẻ: “Điều kiện chăm sóc các cháu ở mái ấm hiện nay rất eo hẹp, vì các cháu vào đây hầu như miễm phí hòan toàn. Chúng tôi mong ước làm sao có điều kiện để các cháu được khám bệnh định kỳ hằng tnág, tiện việc chăm sóc sức khỏe và chữa trị bệnh cách khoa học hơn”. Bên cạnh đó, nữ tu này cũng trăn trở về sự thiếu thốn kinh phí để chăm sóc các cháu: “Nhớ lại, Tết vừa qua, các cháu không có bánh chưng, bánh tét để ăn, không có đủ quần áo mới để mặc, thấy mà thương, nhưng “cái khó đành bó cái khôn”.Cuộc sống của các cô trò trong MAHV vẫn còn chật vật, nhưng tình yêu thương giữa họ lại lớn hơn, một tình yêu có khả năng ươm trồng những tia hy vọng cho những đứa trẻ bất hạnh dù cho nó rất mong manh. Đó là lý do để chúng ta hy vọng cho mái ấm này ngày càng lớn lên trong ơn thánh Chúa và sự cộng tác của nhiều tổ chức và cá nhân có tấm lòng yêu qúy các trẻ mồ côi và bệnh tật.


Ước mong rằng như ý nghĩa của tên gọi, MAHV sẽ mãi là một ngôi nhà ấm cúng, tràn ngập tình yêu thương. Ở đó, các cháu sẽ được lớn lớn như những nầm non hy vọng của gia đình và xã hội, nhờ sự chăm sóc yêu thương và bảo bọc bởi bàn tay của các Nữ tu, và sự sưởi ấm bởi tấm lòng nhân ái của nhiều ân nhân xa gần.Bằng cái nhìn đức tin, chúng ta luôn tin rằng sự khiếm khuyết của các cháu không phải lỗi của các cháu cũng không phải lỗi của cha mẹ các cháu, nhưng là để qua các cháu Thiên Chúa được tôn vinh; vì lẽ đó, những tật bệnh và khiếm khuyết của các cháu là “lỗ hổng”, để chúng ta “lấp đầy” bằng tình yêu thương như Chúa đã dạy “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,41).

Không có nhận xét nào: